Sự nghiệp Nguyễn_Phúc_Khoát

Về đối nội

Năm Mậu Ngọ (1738), Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi khi 24 tuổi, được quan triều tôn là Thái bảo Hiểu Quận công, lấy hiệu là Từ Tế đạo nhân (vì ông chuộng đạo Phật).

Sau đó, Chúa Võ cho khởi công xây phủ mới, ở bên tả phủ cũ, và cho kiến thiết Đô thành Phú Xuân. Năm Kỷ Mùi (1739), công cuộc hoàn tất, triều thần tôn chúa là Thái phó Quốc công.

Cũng trong năm này, vua Chân Lạp là Nặc Bồn mang quân sang xâm phạm Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ cùng vợ là Nguyễn Thị Hiếu Túc đánh đuổi được. Nghe tâu, Chúa Võ đặc cách phong Mạc Thiên Tứ làm đô đốc và vợ ông làm phu nhân.

Năm Canh Thân (1740), Chúa Võ quy định lại phép thi. Ngày 12 tháng 4 năm Giáp Tý (1744), quần thần dân biểu tôn Chúa Võ lên ngôi vương.

Kể từ đó, có nhiều cải cách được ban hành, như: phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Vũ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện. Về hành chính thì chia làm 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê nhưng đối với các thuộc quốc thì xưng là Thiên vương. Y phục từ quan đến dân cũng thay đổi.[3]

Về đối ngoại

Chinh phạt Chân Lạp lần 1 (1753-1756)

Theo Đại Nam Thực Lục,[4] vì việc triều Chân Lạp thường xuyên hiếp đáp và quấy nhiễu người Côn Man định cư tại Chân Lạp, nên phía Đàng Trong đã bàn bạc và quyết định chinh phạt nước Chân Lạp. Năm 1753, triều Việt sai sứ đưa thư sang Xiêm, một nước lớn thời bấy giờ đang tranh giành ảnh hưởng với Đàng Trong tại Chân Lạp, về việc chinh phạt Chân Lạp với lý do Chân Lạp là một nước phiên thần mà lại gây hấn nơi biên giới với xứ Đàng Trong và yêu cầu người Xiêm tương trợ triều Việt bắt giữ và giao lại quốc vương Nặc Nguyên nếu Nặc Nguyên thua trận và trốn sang Xiêm.

Mùa đông năm Quý Dậu (1753), chúa Võ sai Cai đội Thiện Chính (khuyết họ) làm thống suất, Ký lục Nguyễn Cư Trinh làm tham mưu, điều khiển tướng sĩ năm dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ đi đánh Nặc Nguyên. Quân tiến đến Ngưu Chử (Bến Nghé), lập dinh trại, kén sĩ tốt, trừ bị thêm nhiều, để làm kế khai thác.

Mùa hạ năm Giáp Tuất (1754), quan quân Việt chia hai đường từ Gia Định theo hướng Tây đánh Chân Lạp. Đại binh của Thiện Chính tiến theo đường Mỹ Tho. Kỵ binh của Nguyễn Cư Trinh tiến theo đường Bát Đông,[5] gấp rút đến biên giới, theo đường Tần Lê Bắc ra Sông Cái[6] cùng hội với đại quân với của Thiện Chính ở đồn Lô Yêm.[7] Bốn phủ Chân Lạp là Lôi Lạt,[8] Tầm Bôn,[9] Cầu Nam[10] và Nam Vang[11] đều hàng. Nặc Nguyên bỏ chạy đến Tầm Phong Thu.[12] Nguyễn Cư Trinh bèn sai quân chiêu dụ những người Côn Man để làm thanh thế tiến quân, nhưng gặp mưa lụt phải đóng quân lại.

Mùa xuân năm Ất Hợi (1755), thống suất Thiện Chính rút về đồn Mỹ Tho trước, lệnh cho người Côn Man rời bỏ Ca Khâm,[13] dời về đồn Đông Xa[14] tại Bình Thanh.[15] Nhưng khi đến Vô Tà Ân,[16] đoàn người Côn Man liền bị hơn một vạn binh của Chân Lạp tập kích, quân Côn Man sức yếu thế cô, liền đem hết xe chất thành lũy và một lòng chống giữ, mặt khác cho quân đi cấp báo.

Thiện Chính vì sông sâu đầm lầy ngăn trở nên không thể ứng cứu, Nguyễn Cư Trinh tức thì dẫn 5 đội tùy quân đến ứng cứu, quân Chân Lạp phải rút lui.

Nguyễn Cư Trinh đón hơn 5000 trai gái dân Côn Man về trú dưới chân núi Bà Đinh (Bà Đen) rồi hạch tấu Thiện Chính về tội làm hỏng quân cơ, rút quân thiếu kỷ luật, bỏ rơi người mới quy phụ, không cứu viện,để quân giặc bắt đi.

Tấu được dâng lên, triều đình cho tra xét rồi giáng Thiện Chính xuống làm Cai đội, thu quyền Thống suất, ra lệnh cho Cai đội Trương Phúc Du làm Thống suất, dùng người Côn Man dẫn đường để tiến đánh Cầu Nam[10]Nam Vang và giết được một số Ốc nha. Nặc Nguyên chạy đến Hà Tiên nương tựa đô đốc Hà TiênMạc Thiên Tứ.

Năm 1756, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ làm trung gian, đổ lỗi việc sát hại người Côn Man do tướng Chiêu Chùy Ếch[17] gây ra, xin hiến đất hai phủ là Tầm Bôn[9] và Lôi Lạt[8] để tạ tội, đồng thời xin cống nạp lễ vật còn thiếu ba năm trước đó để chuộc tội.

Chúa Võ lúc ấy không nhận lời xin[18], nhưng Nguyễn Cư Trinh đã dâng sớ tâu kế "tằm ăn dâu", khuyên Chúa nhận hai phủ mới và cho người Côn Man được định cư tại khu vực biên giới Việt - Chân Lạp để ngăn chặn việc Chân Lạp tái diễn gây hấn nơi biên giới. Trích lời sớ:[19]

Từ xưa, sở dĩ dùng đến binh, chẳng qua là muốn giết đứa cừ khôi, mở mang bờ cõi mà thôi. Nay Nặc Nguyên đã hối quá, biết nộp đất hiến của. Nếu không cho y hàng, thì y chạy trốn; mà từ Gia Định đến La Bích, đường sá xa xôi, không tiện đuổi đánh. Vậy muốn mở mang bờ cõi, chi bằng hãy lấy hai phủ ấy, giữ chặt phía sau cho hai dinh (Phiên Trấn và Trấn Biên). Năm xưa, đi mở phủ Gia Định, trước phải mở phủ Hưng Phước (Biên Hoà), rồi mới mở đến phủ Lộc Dã (Đồng Nai) để quân dân đoàn tụ, rồi mới mở đất Sài Côn. Đó là cái kế "tằm ăn dâu" đó.

Nay từ Hưng Phước đến Sài Côn đường đi chỉ hai ngày, mà dân cư còn chưa yên tập, quân giữ cũng có đứa chưa khỏe; phương chi từ Sài Côn đến La Bích[20], đường đi trong sáu ngày, thú binh trụ phòng, thực sợ chưa đủ.

Thần thấy rợ Côn Man đánh đường bộ rất tài, quân Chân Lạp cũng đã chột dạ. Nếu cho rợ Côn Man ở đấy, sai nó ngăn chống, lấy mọi đánh rợ, cũng là kế hay. Vậy nên xin cho nước Chân Lạp chuộc tội, lấy hai phủ ấy, cho thần xem xét tình thế, đặt luỹ đóng quân, cấp điền sản cho quân dân, chia địa giới, lấy châu Định Viễn để thâu cả toàn bức.

— Nguyễn Cư Trinh

Chúa Võ thuận với lời tâu này, thâu nhận hai phủ mới, cho Nặc Nguyên lại làm quốc vương Chân Lạp, và cho nhóm người Côn Man được định cư tại khu vực Tây Ninh, dưới chân núi Bà Đen. Một nhóm người Côn Man đã được triều Việt di dời đến An Giang để bố trí phòng thủ biên giới Việt - Chân Lạp nơi thượng nguồn sông Hậu. Dần dần, nhóm này trở thành nhóm xóm Chà Châu Giang thuộc Châu Đốc tỉnh An Giang ngày nay.

Chinh phạt Chân Lạp lần 2 (1757)

Năm Đinh Sửu 1757, Nặc Nguyên mất. Một người chú họ của quốc vương là Nặc Nhuận tạm nắm quyền điều hành việc nước. Biên thần triều tấu với Chúa Võ phong Nặc Nhuận làm quốc vương Chân Lạp để ổn định biên cương, Chúa Võ bắt phải hiến đất hai phủ Trà Vang[21], Ba Thắc[22] mới chuẩn cho lập ngôi.

Song sang năm Mậu Dần 1758, Nặc Nhuận bị rể là Nặc Hinh nổi loạn giết chết cướp ngôi. Con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn lánh nạn tại Hà Tiên và nhờ Mạc Thiên Tứ cầu cứu với chúa Nguyễn đánh đuổi Nặc Hinh giành lại ngôi vua Chân Lạp.

Nhận lời, Chúa Võ sai thống suất Trương Phúc Du tiến đánh, Nặc Hinh chạy đến Tầm Phong Xoài rồi bị phiên liêu là Ốc nha Uông giết chết.

Lúc ấy Mạc Thiên Tứ vì Nặc Ong Ton mà dâng tấu, vua sắc phong cho Nặc Ong Ton làm Quốc vương Cao Miên rồi sai Mạc Thiên Tứ cùng binh tướng 5 dinh đưa Nặc Ong Ton về nước nhưng buộc phải hiến thêm đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiềnsông Hậu tương ứng với Châu Đốc, Sa Đéc bây giờ).

Quan quân khải hoàn về Gia Định, sau đó Du ChínhNghi Biểu dâng tấu xin dời dinh Long Hồ qua xứ Tầm Bao[23] (tức địa phận thôn Long Hồ ngày nay). Lại lấy xứ Sa Đéc đặt thành đạo Đông Khẩu, xứ Cù Lao Giêng ở Tiền Giang đặt làm đạo Tân Châu, xứ Châu ĐốcHậu Giang làm đạo Châu Đốc, rồi lấy binh dinh Long Hồ đến gìn giữ nơi địa đầu trọng yếu ấy.

Ngoài ra, Nặc Tôn còn tặng riêng cho Mạc Thiên Tứ năm phủ là: Kompong Som (Vũng Thơm), Kampot (Cần Bột), Chal Chun (Chưn Rùm hay Chân Sâm), Bantey M éas (Sài Mạt) và Raung Veng (Linh Quỳnh) để tạ ơn [24].Tuy nhiên, Mạc Thiên Tứ lại đem những đất ấy dâng chúa Nguyễn[25]. Chúa Nguyễn tiếp tục cho Thiên Tứ cai quản vùng đất đó, và đặt xứ Rạch Giá làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên, lại đặt quan trông coi, chiêu mộ cư dân lập nên thôn ấp, do đó mà đất đai xứ Hà Tiên mới rộng lớn ra.

Hoàn thành công cuộc Nam tiến

Năm Đinh Sửu (1757), theo đề nghị của ký lục dinh Long HồNguyễn Cư Trinh và thống suất Trương Phước Du, Chúa Võ thuận cho dời trị sở dinh Long Hồ và châu Định Viễn từ Cái Bè (Tiền Giang) về xứ Tầm Bào thuộc địa phận Long Hồ thôn (tức vùng chợ Vĩnh Long ngày nay). Cử Tống Phước Hiệp làm lưu thủ, đồng thời còn cho lập ba đạo để hỗ trợ việc coi giữ đó là: Đông Khẩu (ở phía Nam Sa Đéc), Tân Châu (ở đầu Cù lao Giêng, không phải tại thị trấn Tân Châu ngày nay) và Châu Đốc.

Đến đây (1757), kể như vùng đất Nam Bộ ngày nay đã thuộc về Chúa Võ. Lãnh thổ Việt Nam đến thời điểm này về cơ bản đã được định hình xong.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn_Phúc_Khoát http://putrachampa.blogspot.com/2011/02/chinh-tri-... http://nguyenphuoctoc.net/vuong-pha/09_nguyenphuck... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1... http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1... http://cailay.tiengiang.gov.vn/TANPHUOC/53/844/282... http://tuanbaovannghetphcm.vn/thu-ngo-gui-ong-tran...